NHỮNG TÁC PHẨM VĂN HỌC VIỆT NAM ĐẶC SẮC NHẤT
Tự bao đời, văn học đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng cảm xúc của con người, văn học chính là kết tinh của dân tộc, thời đại và là nơi phản ánh đầy đủ nhất những lát cắt của cả một thời đại. Bên cạnh những tác phẩm văn học nước ngoài đình đám, văn học Việt Nam cũng đã trở thành một phần ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con người Việt. Thậm chí nhiều tác phẩm đã vượt ra khỏi giới hạn của không gian, thời gian, trở thành những áng văn chương bất hủ. Hãy cùng Huy Hoàng Books điểm lại một số tác phẩm văn học Việt Nam tiêu biểu và có giá trị nhân văn sâu sắc.
Chí Phèo – Nam Cao
Nhắc đến văn học Việt Nam mà không nhắc đến Chí Phèo thì quả là một sự thiếu sót lớn. Lần đầu tiên có một nhân vật phản diện, mà người ta thấy thương hơn là thấy trách, muốn đồng cảm hơn là muốn đâm chọt, phanh phui tật xấu của Chí Phèo. Nam Cao đã rất thành công khi thông qua hình tượng nhân vật mà khái quát được cả một xã hội nông thôn Việt Nam trước 1945, khi mà một bộ phận nông dân lương thiện, hiền lành bị đẩy vào con đường lưu manh, tha hóa. Tiếng chửi của Chí Phèo, cái chết của Chí và cả mối tình trong sáng chưa kịp chởm nở đã vội lụi tàn của Chí Phèo và Thị Nở, đã trở thành những hiện tượng bất hủ của văn học Việt Nam.
Chí Phèo, ngày nay vẫn luôn được bao thế hệ bạn đọc nhắc đến như một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam trước 1945 và cũng là một trong những tác phẩm thành công nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nam Cao!
Tắt Đèn – Ngô Tất Tố
Cũng như khi nhắc đến Nam Cao là nhắc đến Chí Phèo, thì nhắc đến Ngô Tất Tố là nhắc đến Tắt Đèn. Ra đời năm 1937, thời điểm mà người nông dân vừa phải chịu sưu cao thuế nặng vừa rơi vào cảnh lầm than đói kém do lũ lụt, mất mùa, Tắt Đèn đã trở thành bản án đanh thép dám chỉ mặt điểm tên gay gắt xã hội quan lại địa chủ trước Cách Mạng Tháng Tám. “Ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh”, dù cuộc đời chị Dậu là những tháng ngày triền miên trong bóng tối với bao bất công và khổ hạnh nhưng khi bị dồn đến bước đường cùng, chị chọn cách vùng lên, để đòi lại công bằng và tìm lại lẽ phải.Ngọn đèn này tắt thì lại có ngọn đèn khác được châm lên, người nông dân dù hiền lành chất phác nhưng vẫn luôn mang trong mình một tinh thần đấu tranh mạnh mẽ.
“Tắt đèn” được đánh giá là một trong những tác phẩm có giá trị nhất trong những tác phẩm văn học hiện thực chủ nghĩa trước Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam.
Vợ Nhặt – Kim Lân
Viết về một xã hội thời tăm tối với những đói nghèo và mục ruỗng nhưng lại khơi gợi niềm hi vọng về một tương lai tươi sáng, đó chính là Vợ Nhặt của Kim Lân – một tác phẩm văn học Việt Nam chiếm được nhiều cảm tình của độc giả hiện đại.
Vợ Nhặt phát họa nạn đói 1945 bằng câu chuyện vừa bi vừa hài: Tràng – một gã trai cục mình, quê mùa có phần xấu trai lại bỗng dưng lấy được một cô vợ “nhặt” chỉ nhờ vài bát bánh đúc.Cưu mang thêm một cô vợ giữa thời đói có vẻ là chuyện điên rồ, nhưng với anh Tràng thì lấy vợ là một sự đổi thay mới. Cuộc sống dù có khó khăn hơn, dù có thể phải ăn bát cháo cám mà sống qua ngày nhưng kể từ ngày có Thị, căn nhà u tối bỗng trở nên sáng sủa và đầy ắp tiếng cười, anh cu Tràng bỗng thấy cần phải có trách nhiệm với gia đình nhỏ. Ai dám bảo không có “một túp lều tranh, hai trái tim vàng”?
Tuổi Thơ Dữ Dội – Phùng Quán
Tuổi Thơ Dữ Dội là cuốn sách tập hợp những câu chuyện của những chiến sĩ nhỏ tuổi trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân. Cuốn truyện miêu tả súc tích quá trình tham gia chiến đấu và hy sinh ở tuổi đời rất trẻ của hơn ba mươi thiếu niên, tập trung quanh các nhân vật tiêu biểu là Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca và một loạt các nhân vật khác như: Tư dát, Bồng da rắn, Vịnh sưa,...
Đọc Tuổi Thơ Dữ Dội chính là đọc lại một phần lích sử của tuổi thơ Việt, nơi những mầm non biết đừng lên vì đất nước, dung cảm, kiên cường, anh dũng như chính tinh thần Việt Nam!
Bỉ Vỏ - Nguyên Hồng
Tiểu thuyết Bỉ vỏ của Nguyên Hồng được viết trong những năm 1935 – 1936, xuất bản lần đầu năm 1938 là một trong những tác phẩm xuất sắc của dòng văn học hiện thực phê phán. Nhân vật chính là Tám Bính – một cô gái chất phác của làng quê, bị lừa gạt trong tình yêu rồi bị tập quán hủ lậu xua đuổi, lên thành phố bị xô đẩy vào con đường tội lỗi. Từ chỗ phải làm nghề mại dâm Tám Bính đã trở thành kẻ cắp lành nghề – cuối cùng cả hai vợ chồng đều bị bắt giữa lúc Tám Bính hay tin đứa con duy nhất bị lưu lạc từ lâu vừa bị giết do chính tay người chồng sau của mình.
Bỉ Vỏ đã nêu được phần nào những mâu thuẫn gay gắt giữa giai cấp thống trị và quần chúng bị áp bức, là một lời tố cáo đanh thép chế độ xã hội cũ.
Khiết Anh