'Shuggie Bain': Đi tìm bản dạng trong sự cô độc
Từng gây bất ngờ lớn khi chiến thắng giải Booker 2020, Shuggie Bain của Douglas Stuart dường như một mình một cõi trong danh sách rút gọn năm đó. Giữa một rừng những tác phẩm lớn, cá tính; một cuốn bán hồi kí viết bằng tông xám của những kí ức vụn vỡ nhưng lại khơi gợi được nhiều cảm xúc nơi người đọc.
Là cuốn sách mang tính cá nhân, thế nhưng nó lại cho thấy được sự nguy hiểm của những mộng tưởng, cũng như hành trình đi tìm bản dạng trong sự cô độc. Đặt trong bối cảnh Glasgow những năm 80 dưới thời Thatcher có phần u tối, Shuggie Bain (Huy Hoàng và Nxb Văn học liên kết ấn hành, bản dịch của Trần Quốc Tân) bám theo cậu bé Hugh Bain - người có cuộc sống không hề hạnh phúc, khi chứng kiến sự bỏ đi của cha, chứng nghiện rượu của mẹ, từng anh chị một bỏ đi, và tự mình chống lại những định kiến cố hữu ở thời điểm đó.
Tiểu thuyết đoạt giải Booker 2020 Shuggie Bain.
Xuyên suốt không gian của Shuggie Bain, độc giả có thể thấy được những u ám, đứt gãy, chia lìa; cũng như thổn thức và đầy dằn vặt về sự bất định không chỉ của gia đình nhà Bain, mà đó còn là thế hệ thanh niên vỡ mộng, trong một Scotland chìm trong đói nghèo và bạo lực.
NHỮNG CHÚ THIÊU THÂN
Nổi bật trên nền các nhân vật chính là Agnes, người được mô tả như một phiên bản trẻ hơn của Elizabeth Taylor, người cùng chồng và ba đứa con phải chen chúc sống cùng bố mẹ trong căn chung cư nhỏ. Ở không gian chật kín ấy có sự tức giận của cảm giác thất bại, có sự tuyệt vọng về một tương lai không bờ bến và việc bị tước đoạt hạnh phúc bởi thói trăng hoa của chồng. Agnes với một tuổi trẻ sống động, tràn đầy năng lượng giờ đây héo rủ bởi chính hôn nhân, những chờ đón và hi vọng; để rồi cuối cùng tuyệt vọng cũng như vỡ mộng trong những ước mơ cuộc đời.
Khi Shug Bain sự bóng bẩy, quyền uy; đòi chuyển cả nhà đến Cổng Mỏ, trong Agnes lại một hi vọng mới được nhóm lên. Nhưng đây chỉ mới là bước khởi đầu, để rồi liên tiếp những chặng đường sau, người đọc sẽ thấy từng hi vọng một tắt dần theo đoạn đời dài. Mỗi khi có luồng ánh sáng được khơi gợi mới, thì liền chẳng chống thì chày nó sẽ đứt bóng và tối trở lại. Đó là niềm tin của việc cai rượu, là những người đàn ông lái taxi mới … và vòng tuần hoàn cứ thế tiếp diễn, để “cuộc đời khác, con người khác” chỉ là thanh âm vụn vỡ.
Từ chứng nghiện rượu, tự tử ở trong lò hơi cho đến mất trí buông mình ra khỏi cửa sổ… chứa trong Agnes là luồng chảy của những thất bại. Và thứ thất bại ấy còn mạnh hơn nữa khi vốn dĩ cô là con người ương bướng và luôn kiêu hãnh dẫu cho trong hoàn cảnh nào. Chồng cự tuyệt, từng đứa con bỏ đi, tình yêu mới chớm chưa được bao lâu rồi cũng tan thành khói mây… những thứ ấy như dày vò thêm một người phụ nữ không cách nào khác là chìm trong thứ men rượu để quên sự đời, quên mình là ai.
Đối trọng với cô là Hugh, cậu con trai nhỏ, người làm mọi thứ để dán lại những mảnh vỡ nơi cô như con nai nhỏ bằng sứ cụt tai mà cậu làm vỡ. Tìm đủ mọi cách để mẹ mình vui, từ giả ốm nghỉ học cho đến đẩy lùi những người đàn ông cũng như đàn bà cố chuốc say mẹ… ở Huge người đọc chưa bao giờ thấy cảm giác tự mình xót xa cho bản thân mình. Cậu bé dường như vẫn còn quá nhỏ, và luôn tin rằng bản thân có đủ khả năng để cứu giúp mẹ. Nếu Agnes ngây thơ tin vào tương lai rồi sẽ tốt hơn, thì với sự trẻ con, Shuggie cũng luôn tin rằng rồi mình cũng sẽ xoay chuyển tình thế. Cả hai người họ đều là những chú thiêu thân lao vào đốm lửa hi vọng mong manh, để rồi nhận ra phế tích chỉ là đôi cánh cháy rụi bởi những tàn lửa không thể dập tắt.
Cuộc sống đối đãi Agnes bằng sự nản lòng, và chính bối cảnh cũng như cuộc sống ở nơi Cổng Mỏ, của những con người tương tự như cô; đã khiến chính cô như Tantalus(1) - người tưởng đã đến bờ bến của sự hồi sinh, nhưng khi mọi thứ đã rất gần rồi, thì lại rút xuống. Shuggie vẩn vơ trong gia đình ấy, cũng tự mình đi tìm chính mình, vì sự đặc biệt và những cảm giác mà mình không thể gọi tên. Hai mẹ con cậu chới với, và không có một vị trí thật sự vững vàng. Những người đàn ông và sự vỡ mộng thiêu cháy mẹ cậu. Còn sự ngây thơ đốt chính trong cõi lòng cậu. Cả hai như những vật thể được đặt trong lọ thủy tinh chứa đầy tinh dầu của sự khốn cùng nơi vùng Glasgow ủ ê, mà xã hội đó và những con phố, cũng toàn những chú thiêu thân được gắn kết dính vào trong khối cầu.
TÀN LỬA THATCHER
Không chỉ hướng về nội bộ của một gia đình, Douglas Stuart mô tả cả vùng Cổng Mỏ cũng như Glasgow dưới thời Thatcher vô cùng nản lòng. Đó là vùng đất của những công nhân khai mỏ giờ không ai cần, vì tương lai của Thathcher là hạt nhân, là y tế tư cho những người giàu. Ở nơi phố ấy, cũng như nhà Colleen, nhà Jinty… những người phụ nữ là người chịu đựng nhiều nhất, bởi các ông chồng trăng hoa và một bầy con nheo nhóc mà con số ấy có khi lên đến hàng chục. Các bà luôn luôn vẩn vơ trong làn khói thuốc, chuyền nhau từng nốc rượu mạnh, và khích lệ nhau kiếm sống bằng sổ trợ cấp xã hội.
Glasglow những năm 80 cũng đầy bợm rượu, ma túy, mại dâm và giết người. Trên những phố vắng, còn đó là những hộp đêm, sàn nhảy mà những ngõ tối ướt nước, các vụ phân xác vẫn thường diễn ra... Cũng như Người giao sữa của Anne Burns hay phim điện ảnh Belfast của Kenneth Branagh, những cuộc đấu tranh về mặt tôn giáo giữa đạo Tin lành và Công giáo liên tục diễn ra. Những khu phố ấy chứa chấp bất cứ thể loại người nào, dẫu đã biến chất hay còn tinh nguyên, dẫu còn tử tế hay không còn gì. Glasglow nuốt chửng họ, thực bào họ, để phân rã họ thành những mảnh vỡ và gia nhập họ vào hội những con ma men. Họ uống để quên chính mình, uống để chống lại nỗi đau cũng như cô độc.
Ba người con của Agnes đại diện cho những ngã rẽ vô cùng điển hình của thế hệ ngày ấy. Họ là những con cừu non lang thang ra khỏi cánh đồng, để bị phết dấu sơn không thể xóa nhòa. Có người vượt biển cũng như thoát khỏi nhát dao đao phủ, nhưng vẫn luôn mang trong mình những sự tổn thương, vì mất gốc rễ, vì nguồn gốc không thể trả lại như Catherine. Cũng có những người ở lại, nhưng cố chấp tin vào ngây thơ, như Shuggie, hoặc mạnh dạn bứt ra, và sống đời của mình như Leeks. Nhưng dù có chèo ra xa bến đỗ tỉnh táo hay là dong thuyền bất tận trên vùng bia rượu; thì họ cũng đều tổn thương và đầy vết sẹo bởi sự trưởng thành không hề toàn vẹn.
Nhà Văn Douglas Stuart.
Bóng tối của nơi Cổng Mỏ, màu đen của than cũng như chính sự hoang vắng ở nơi chốn ấy… như ám suốt hết những nhân vật trong cuốn sách này. Không biết là sự đồng cảm hay là trùng hợp, mà hầu hết bối cảnh câu chuyện đều được đặt dưới bầu không khí đầy sương, với mưa, tuyết cũng như lớp bùn bám dính. Glasglow thời ấy như ngập trong mình từng làn hơi bia, để mỗi một người đều hít vào mình làn hơi chếch choáng của sự mất cân bằng, rồi họ rời bỏ nhau không vì lẽ gì. Có người đã quá mệt mỏi bởi chính bãi nôn mà mình tạo nên, có người không tin vào sự hi vọng… và để đối trọng với những điều đó, cũng có những người ngây thơ đến vô cùng tận, rồi mình chứ không ai khác, hưởng trọn mọi thứ.
Shuggie Bain được Douglas Stuart viết lên với những truyền tải cảm xúc không những chỉ buồn mà còn tuyệt vọng. Câu chuyện về một cậu bé đi tìm chính mình, trong sự giải thoát cho mẹ mình, đặt trong lòng một xã hội đang dần rệu rã vì bị bỏ rơi… là những thanh âm vang vọng như một tiếng thét trong lòng hang sâu. Đầy ắp kỉ niệm nhưng cũng là những mảnh ghép mang tính sát thương, cuốn tiểu thuyết này có thể làm bạn khóc, bạn cười; nhưng hơn hết là sự thương cảm, và sự bất lực buông xuôi cho những kiếp người đã quá mỏi mệt.
Từng bị từ chối đến ba mươi lần và chỉ được viết vào những thời gian rãnh rỗi khi không làm các công việc liên quan đến thời trang, thế nhưng Stuart bằng óc quan sát cũng như giọng văn không thể nhầm lẫn, đã làm nên được tác phẩm vô cùng thành công. Chỉ trong 2 năm 2020 và 2021, Shuggie Bain đã bán hơn 1,3 triệu bản (tính riêng ngôn ngữ tiếng Anh), và được đề cử đến hơn 20 giải thưởng.
Nguồn: Văn Nghệ Quân Đội