'Cậu nhóc gặt gió' từ chiếc cối xay gió tự chế
Sống ở một nước châu Phi nghèo và không có điện, William Kamkwamba quyết tâm đứng lên thay đổi và cải thiện cuộc sống của cả một cộng đồng bằng cách xây dựng một chiếc cối xay gió.
Ở Malawi, một đất nước nhỏ bé miền đông nam châu Phi, chung biên giới với Mozambique, Tazania và Zambia vào những năm 2000, người dân đi ngủ lúc 7 giờ chiều. Mà thật ra không phải mỗi Malawi, hầu hết châu Phi đều như thế.
Đây không phải vì thói quen kỳ lạ gì của người châu Phi, mà bởi lẽ lúc ấy ở xứ sở này người ta không có điện. Không có điện nghĩa là không thể học bài, không thể đọc sách, thậm chí đi vệ sinh cũng không nhìn thấy gì, và không có điện nên người ta đi ngủ sớm.
Khi ấy, có một cậu bé đã mang điện miễn phí về làng thông qua một chiếc cối xay gió tự chế. Đó là William Kamkwamba và hành trình tạo ra điện của cậu được kể lại chi tiết trong cuốn sách Cậu nhóc gặt gió vừa được xuất bản tại Việt Nam.
Một xứ sở không có điện
Đầu thế kỷ 21 ở châu Âu, châu Mỹ hay thậm chí châu Á, điện không còn thứ quá xa xỉ. Họ có thể bật đèn bất cứ khi nào họ muốn, thậm chí còn có cả tủ lạnh, điều hòa, lò vi sóng, máy tính… và tất cả những đồ gia dụng, đồ công nghệ sử dụng điện. Còn ở những nước nghèo tại châu Phi, ví dụ như Malawi, người dân không có được may mắn như vậy.
Thật ra thì điện cũng có tồn tại ở Malawi, nhưng chỉ có khoảng 8% người dân ở nước này có điện để dùng và chấp nhận trả tiền điện với giá cắt cổ. Và quan trọng hơn, điện khó mang về nhà.
Cậu bé William Kamkwamba sinh ra và lớn lên tại Malawi, một nước nghèo ở châu Phi và hầu như không có điện. Ảnh trong phim The Boy Who Harnessed the Wind.
Để được ''vào lưới điện'', người ta phải chen nhau trên thùng xe khách đi mấy tiếng đồng hồ để đến thủ đô của Malawi, rồi ngồi xe buýt tới văn phòng của Công ty cung cấp điện Malawi, hay còn gọi là ESCOM và ngồi chờ cả giờ đồng hồ để được gọi đến tên.
Sau khi điền một đống giấy tờ, trả một đống tiền, khoanh tròn vị trí nhà trên bản đồ, họ sẽ phải chờ đợi và cầu vào sự may mắn để đơn đăng ký điện được thông qua, rồi phải trả thêm rất nhiều tiền để nhân viên điện lực dựng cột điện kéo về nhà họ. Một khi có điện, họ cũng sẽ chẳng được hưởng thụ lâu, bởi ESCOM sẽ cắt điện hầu hết vào các buổi tối.
Việc cắt điện này liên quan đến nạn phá rừng bừa bãi ở Malawi, thậm chí cả châu Phi. Vì không có điện nên người dân phải đốn củi để đốt, để nấu bữa sáng và đun nước tắm. Khi rừng bị chặt phá, mỗi khi mưa lũ mọi đất đá, rác rưởi, túi ni lon sẽ theo dòng nước cuốn thẳng xuống sông Shire, nơi ESCOM đặt tua-bin cung cấp điện cho cả nước. Tua-bin vị vướng rác sẽ không quay được, và ESCOM sẽ phải tắt máy, lau chùi, cắt điện cả nước và tốn rất nhiều chi phí.
Và họ sẽ nâng giá điện lên để bù lỗ, khi đó người dân lại không thể mua được điện để dùng và lại phải vác rìu đi chặt cây lấy củi. Đó là một vòng luẩn quẩn giải thích tại sao ở xứ sở này không có điện.
Cậu nhóc ham mê khoa học
Lớn lên trong thời ma thuật thống trị tư tưởng hầu hết người dân trong làng, William Kamkwamba không ngờ rằng có ngày mình lại quan tâm và muốn khám phá đến khoa học như vậy. Khi lên 13 tuổi, từ việc tò mò nghịch ngợm những chiếc đài cũ, William cùng cậu bạn thân của mình Geoffrey đã bắt đầu nhận sửa đài cho người dân trong làng.
Lúc ấy, cậu muốn tìm hiểu về rất nhiều thứ, nhưng chẳng có người lớn nào giải đáp được các thắc mắc của cậu, phần vì họ không quan tâm tại sao mọi thứ lại vận hành được, phần vì họ cũng không biết.
Bên trong cậu là một quả bóng bay căng phồng trí tò mò, những khao khát tìm hiểu và những câu hỏi ngày càng chồng chất hơn. Vậy là William bắt đầu tìm kiếm tri thức thông qua những cuốn sách cũ kỹ ở thư viện nhỏ trong vùng.
William Kamkwamba trên chiếc cối xay gió tự chế đầu tiên của mình. Ảnh: Medium.
Từ cái đài, cậu quan tâm đến pin để chạy đài, đến cách một chiếc xe tải hoạt động, đến những chiếc tua-bin tạo ra điện, nam châm, điện thế, năng lượng... và cối xay gió.
Và lúc ấy, William hiểu ra rằng chiếc cối xay gió không chỉ là điện, là năng lượng mà nó còn là tự do. Cậu quyết định sẽ xây một chiếc cối xay gió để mang điện về làng. Năm ấy là năm 2002 và William mới chỉ 14 tuổi.
Một hành trình gian nan thách thức niềm tin của mọi người
Ban đầu, William chẳng có gì để xây một chiếc cối xay gió ngoại trừ những phế liệu từ đống rác đối diện trường học, ở đó có ti tỉ thứ máy móc hỏng đã bỏ đi, những ống nhựa bị vỡ.
Cậu thậm chí còn cầu xin được tháo rời chiếc xe đạp quý nhưng đã hỏng từ lâu của bố cậu để lấy các chi tiết. Và đặc biệt nhất chính là người bạn thân Geoffrey đã hết lòng giúp đỡ cậu, chi tiền tiêu vặt để mua cho William những thứ cần thiết.
Việc sống tại một vùng nông thôn nghèo thiếu thốn đủ thứ không phải là điều duy nhất làm cản bước nhà phát minh nhỏ tuổi, mà đó còn là những lời chế nhạo đến từ người lớn và trẻ con, luôn gọi cậu là thằng điên chuyên đi nhặt rác.
Thậm chí cả những người đã được sạc điện thoại từ chính chiếc cối xay gió của William cũng quay ra chỉ trích thành quả của cậu vì cho rằng chính cối xay gió đã thổi gió đi xa, khiến toàn bộ vùng rơi vào hạn hán nặng. Chính sự ngu dốt đã ăn sâu vào tư tưởng của những người dân trong làng khiến cậu cực kỳ cảm thấy khó chịu và phiền lòng.
Cuốn tự truyện của William, Cậu nhóc gặt gió, được viết cùng Bryan Mealer là một câu chuyện có thật về sự sáng tạo của con người cũng như sức mạnh của niềm tin để vượt qua nghịch cảnh. Mơ ước của William Kamkwamba không chỉ là xây dựng một chiếc cối xay gió, mà còn đi xa hơn, lớn hơn là mang điện về cho dân làng, thay đổi đất nước của chính cậu.
Câu chuyện truyền cảm hứng này của William đã lan tỏa khắp châu Phi cũng như châu Âu thời điểm đó. Năm 2007, William trở thành khách mời của TEDGlobal để kể lại hành trình đặc biệt của mình. Cậu được tiếp tục đi học, tốt nghiệp trường Đại học Dartmouth, hội viên của TED và công ty IDEO, sau đó trở thành một diễn giả truyền cảm hứng cho rất nhiều trường đại học của Mỹ.
Độc giả có thể theo dõi lại hành trình William Kamkwamba mang điện về làng qua cuốn sách Cậu nhóc gặt gió vừa được xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: Huy Hoàng Bookstore.
Cuốn tự truyện Cậu nhóc gặt gió được lựa chọn làm chủ đề cho dự án ''Một cuốn sách - Một cộng đồng'' (1 Book 1 Comunity) của thư viện công cộng bang Virginia của Mỹ năm 2013. Tác phẩm cũng trở thành cuốn sách được khuyên đọc tại nhiều trường đại học trên khắp nước Mỹ.
Cũng trong năm 2013, tạp chí TIME đã vinh danh William Kamkwamba là một trong “30 người dưới 30 tuổi làm thay đổi thế giới”. 6 năm sau đó, hãng phim Netflix chuyển thể cuốn tự truyện Cậu nhóc gặt gió của William thành phim điện ảnh và tác phẩm còn được nước Anh đề cử đi chinh chiến tại giải Oscar lần thứ 92 tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.
Đã gần 20 năm từ khi William xây dựng thành công chiếc cối xay gió tự chế đầu tiên tại Malawi, nhưng câu chuyện của cậu vẫn là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh của ước mơ và sự tự do.
Hơn cả một thông điệp đầy tính nhân văn, cuốn sách Cậu nhóc gặt gió sẽ giúp bất cứ ai đọc được có sự tự tin và quyết tâm dám đứng lên thay đổi và cải thiện cuộc sống của cả một cộng đồng.
Theo Zing News