Hiểu đúng về thảo dược
Nhà thảo dược học Rosalee De La Forêt hướng dẫn cách sử dụng những nguyên liệu thông thường thành món ăn có lợi cho sức khỏe.
“Hãy để thức ăn là thuốc của bạn”, Hippocrates - cha đẻ ngành y học - đã nói như vậy từ hơn 2.000 năm trước. Lời khuyên của người sáng lập trường Y học Hippocratic vẫn còn nguyên giá trị cho tới hôm nay.
Bằng những kiến thức khoa học, Rosalee De La Forêt đã viết cuốn Năng lượng sống từ thảo dược nói về tính năng bổ trợ sức khỏe từ thức ăn và gia vị hàng ngày.
Sách Năng lượng sống từ thảo dược. Ảnh: Huy Hoàng Books.
Kết hợp thảo dược với từng cơ địa
Hàng nghìn năm qua, con người khắp nơi trên thế giới đã sử dụng thảo dược. Ấn Độ có y học Ayuveda (khoa học của sự sống) tổng hợp những ghi chép cách dùng cây cỏ để tăng cường sức khỏe, chữa bệnh.
Trung Quốc có Y học cổ truyền Trung Hoa đúc rút phương pháp chữa bệnh bằng thảo dược. Tại các nền văn hóa bản địa ở Bắc, Trung, Nam Mỹ hay tại châu Phi, châu Âu đều có truyền thống dùng thảo dược. Việt Nam có thuốc Nam sử dụng cỏ cây trong chữa bệnh.
Tuy vậy, các phương pháp tăng cường sức khỏe bằng thảo mộc được lưu truyền trong dân gian có sự khác biệt nhau, đôi khi trái ngược nhau. Năng lượng sống từ thảo dược cho thấy tác dụng của cỏ cây từ những kiến thức khoa học.
Cuốn sách có cấu trúc hai phần. Ở phần đầu, tác giả giới thiệu về thảo dược và gia vị; phần hai bà đi sâu vào từng loại thảo dược cụ thể.
Tác giả nói về lợi ích của thảo dược và gia vị: “Mỗi bữa ăn đều mang đến một cơ hội cung cấp dưỡng chất và hỗ trợ sức khỏe cho bạn. Đưa thêm nhiều loại thảo dược và gia vị vào thực đơn sẽ mang đến nhiều lợi ích. Chúng cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu, hỗ trợ nguồn năng lượng tự nhiên, thúc đẩy lão hóa một cách lành mạnh, ngừa bệnh tật, trợ giúp trong việc sửa chữa các chu trình thiết yếu và tăng cường các chức năng cơ thể khỏe mạnh”.
Nói về lợi ích của thảo dược, Rosalee chỉ trích quan niệm “một giải pháp” khi dùng cỏ cây. Theo tác giả, hội chứng “một giải pháp” là cách đi tìm “điều duy nhất” từ thuốc Tây hay thảo dược để chữa trị các vấn đề sức khỏe. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy lối suy nghĩ này qua những “phương thuốc” truyền miệng hoặc lan truyền trên mạng xã hội, kiểu: “Nghệ chữa bệnh ung thư”, “tinh dầu chanh việt virus”…
Quan điểm về thảo dược học của Rosalee là kết hợp các loại thảo dược với từng cá nhân, thông qua hiểu biết các loại cơ địa. Từ đó, bà đưa ra kiến thức để người đọc có thể hiểu được cách “khớp” đặc tính của từng loại thảo mộc với nhu cầu của mỗi cơ thể, tiếp cận cụ thể dành cho sức khỏe cá nhân.
Tác giả Rosalee De La Forêt (phải). Ảnh: AlchemyofHerbs.
Lợi ích từ nguyên liệu trong căn bếp
Ởphần thứ hai của sách, tác giả đi sâu vào từng loại thảo dược dựa trên vị: Cay, mặn, chua, đắng, ngọt. Mỗi chương sẽ tập trung vào một vài loại thảo dược hoặc gia vị và đưa nó vào công thức giúp trải nghiệm loại thảo dược ấy. Ví dụ với nhóm vị cay, tác giả viết cụ thể về hạt tiêu đen, quế, tỏi, gừng, hương nhu, mù tạt, bạc hà…
Mỗi loại thảo mộc, tác giả nêu kiến thức về đặc điểm dược tính, cách dùng, liều lượng gợi ý, những lưu ý đặc biệt khi sử dụng. Tác giả cũng cảnh báo sự lạm dụng thảo mộc, những kết hợp không đúng gây bất lợi cho sức khỏe.
Thông qua nội dung này, bạn đọc biết được công dụng của những nguyên liệu thường dùng trong bếp hàng ngày. Hạt tiêu đen có thể là gia vị bổ trợ cho tiêu hóa; ớt cayenne hỗ trợ ngăn cơn cảm lạnh, sức khỏe tim mạch, đẩy nhanh giảm cân lành mạnh; bạc hà là thảo mộc giúp thư giãn; lá atisô giúp bổ gan, hỗ trợ tiêu hóa…
Tác giả cũng đưa ra những công thức để phát huy tác dụng của thảo dược từ căn bếp như: Nước bạc hà chanh bổ dưỡng, công thức làm bánh mousse chocolate bạch đậu khấu, tự làm mù tạt…
Lời khuyên chế biến, làm sao để tận hưởng các loại nguyên liệu cũng được nêu trong sách. Chẳng hạn, ở chương về cà phê, tác giả nói về cách thưởng thức cà phê kiểu Pháp, đưa ra lời khuyên của chuyên gia từ khâu chọn nguyên liệu, xay, tỉ lệ cà phê trên khối lượng nước…
Qua mỗi chương sách, tác giả luôn kết hợp thông tin với hình ảnh đẹp. Các thông số khoa học đi cùng trải nghiệm cá nhân giúp người đọc tiếp nhận thông tin dễ dàng hơn.
Nhà thảo dược học Rosemary Gladstar đánh giá: “Trong cuốn Năng lượng sống từ thảo dược, Rosalee không chỉ cho chúng ta các số liệu để suy ngẫm; cô còn tạo cảm hứng cho ta sử dụng thảo dược trong đời sống thường nhật. Cô mang lại niềm vui và khiến việc học hiểu về thảo dược vừa vui nhộn, thực tế lại vừa thuận tiện. Rosalee mang cả ngành nghiên cứu thảo dược vào trong căn bếp”.
Nguồn: https://zingnews.vn/hieu-dung-ve-thao-duoc-post1298479.html