"Trẻ ngoan trẻ hư" - Một góc nhìn mới về cách con khôn lớn
“Điều quan trọng nhất trong giáo dục là ghi nhận những điểm tốt của trẻ và phát huy chúng” - Nobuyoshi Hirai.
Trẻ em chính là người sẽ gánh vác tương lai của đất nước. Giống như những hạt giống, trẻ nên ở trong môi trường thuận lợi, được bố mẹ và những người xung quanh thấu hiểu, yêu thương để được lớn lên hạnh phúc và được làm những điều mình thích.
Tuy nhiên, không phải lúc bố mẹ cũng có đủ thời gian và kiên nhẫn để thấu hiểu con. Điều này dễ dẫn đến việc bố mẹ cho rằng con hư, con ngỗ ngược hay phản kháng... Thấu hiểu tình trạng này, tác giả Nobuyoshi Hirai đã viết nên cuốn sách "Trẻ ngoan trẻ hư", một góc nhìn mới về cách con khôn lớn.
Cuốn sách "Trẻ ngoan trẻ hư" của tác giả Nobuyoshi Hirai.
Hãy dừng “gắn mác” con hư
Tự do là yêu cầu cơ bản của con người. Việc bỏ sức tìm hiểu cách giáo dục nào có thể tạo cho trẻ sự tự do là vô cùng quan trọng. Bản thân trẻ đã luôn mang trong mình sự tò mò mạnh mẽ, chúng sẽ đi tìm tòi, khám phá, hay còn gọi là “nghịch ngợm”. Sự tìm tòi của trẻ em này cũng giống như “tinh thần nghiên cứu” ở thế giới người lớn. Bố mẹ cần hiểu điều này để tạo môi trường khám phá cho con.
Qua nghiên cứu, tác giả Nobuyoshi Hirai chỉ ra rằng khi trẻ phát triển tính chủ động, chúng sẽ biết mình muốn gì, thích gì và phải làm gì. Tính chủ động ở trẻ thể hiện ở năng lực tự suy nghĩ và tìm ra thứ để vui chơi, và khi có nhiều “nhiệm vụ” khác nhau, trẻ có khả năng tự lựa chọn một nhiệm vụ và hành động giải quyết nó mà cần dựa dẫm vào người khác. Điều này sẽ tốt cho sự phát triển lâu dài của trẻ.
Thong thả và cảm thông mới là cách nuôi dạy một đứa trẻ ngoan
Nhiều bố mẹ tin rằng, kỷ luật là điều nên có để đưa trẻ vào “khuôn khổ”. Trong cuốn sách, tác giả Nobuyoshi Hirai khuyến khích các bậc phụ huynh bỏ qua kỷ luật, nuôi dạy con bằng sự thấu hiểu và lòng cảm thông. “Trẻ nhìn bóng lưng bố mẹ mà lớn lên.” Hãy bắt đầu từ chính bố mẹ. Nếu người lớn cũng sống một cách rạch ròi, minh bạch thì con cái cũng sẽ nhìn bố mẹ chúng mà có những cách hành xử đúng đắn.
Lòng cảm thông, đó là khả năng đứng trên lập trường của đối phương để suy nghĩ, thông cảm với cảm xúc của đối phương. Khi khả năng này được bồi dưỡng, trẻ sẽ tự mình suy nghĩ và khi phán đoán được hành động của bản thân có khiến ai khổ sở và buồn bã hay không, chúng sẽ ngừng làm hành động ấy, hay nói cách khác, trẻ phát triển năng lực tự kiểm soát và nó hoàn toàn khác với sự kiểm soát người khác./.
Nobuyoshi Hirai (1919-2006) là Tiến sĩ Y khoa, tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Tokyo và khoa Y Đại học Tohoku. Từ năm 1990, ông là giáo sư danh dự trường Đại học nữ Otsuma, đồng thời là chủ tịch hội Nghiên cứu Nhi đồng học. Ông còn được biết đến với các tác phẩm "Phương pháp giáo dục và nuôi dưỡng trẻ tự kỷ", "Cách thức phát triển và nuôi dưỡng năng lực của trẻ", "Những điều cấm kỵ khi làm bố mẹ".
Nguồn: https://vov.vn/van-hoa/van-hoc/tre-ngoan-tre-hu-mot-goc-nhin-moi-ve-cach-con-khon-lon-post942780.vov