Trên cây cầu đổ nát
Cổ họng tôi nghẹn ứ, tim thắt lại khi nhìn thấy một gia đình có hoàn cảnh giống mình. Mẹ và chị em tôi cắn răng chịu đựng cho đến ngày chúng tôi trưởng thành.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc, tôi từng chứng kiến biết bao lần ba dùng bạo lực với mẹ. Tôi sợ những âm thanh ầm đùng mỗi tối, sợ tiếng chửi bới của ba, sợ tiếng đồ đạc bị đổ vỡ, sợ nhìn những vết bầm trên cơ thể mẹ… Tất cả những nỗi sợ đó ào ạt tràn về như giông tố ầm ào kéo đến khi tôi đọc cuốn sách Trên cây cầu đổ nát của Padma Venkatraman.
Cổ họng tôi nghẹn ứ, tim thắt lại khi nhìn thấy một gia đình có hoàn cảnh giống mình. Mẹ và chị em tôi cắn răng chịu đựng cho đến ngày chúng tôi trưởng thành. Nhưng cô bé Viji và Rukku thì không thể chịu đựng nổi nữa. Cô em gái Viji đã đưa người chị gái kém phát triển trí tuệ của mình bỏ trốn. Hai cô bé trốn khỏi địa ngục mà người cha tạo nên để đến với tự do dù phải đối mặt với cuộc sống không nhà, không ai nương tựa. Padma Venkatraman đã đặt ra một vấn đề nhức nhối: Trong xã hội có bao nhiêu đứa trẻ bị bạo hành, vô gia cư, đói nghèo… như thế.
Dõi theo từng trang truyện, tôi thương lắm sự cố gắng của những đứa trẻ cũng như những khó khăn mà các em phải gánh chịu trên hành trình tìm đến tự do. Cách kể tự nhiên và chân thật là ngọn hải đăng dẫn lối cho tôi đến với thế giới của những đứa trẻ tội nghiệp như Viji, Rukku và hai cậu bé Arul, Muthu. Chúng sống tạm bợ dưới gầm cầu, nơi nghĩa địa ghê rợn, moi móc những đống rác hôi thối, bẩn thỉu để nhặt ve chai kiếm sống, chúng uống nước lã, ăn cầm hơi qua ngày… Chúng là những trái non nhưng không được chăm sóc nên héo úa, còi cọc đến tội nghiệp.
Bên cạnh cái hiện thực mà ta có thể bắt gặp ở Ấn Độ hay bất kỳ đất nước nào thì tác phẩm còn như một con thuyền chở nặng bao giá trị nhân văn. Đó là nghị lực, lòng quyết tâm, tình bạn, tình thân, lòng nhân ái, tự trọng,… Tất cả như tiếng sáo dìu dặt trầm bổng cuốn ta vào cốt truyện.
Tác phẩm Trên cây cầu đổ nát là một bản đàn có cả những nốt vui tươi và những đoạn trầm buồn. Nhưng đây chắc chắn là một quyển sách giàu cảm xúc và đong đầy tình thương mà Padma Venkatraman dành cho trẻ em. Trẻ em cần được yêu thương, vỗ về, chăm sóc, cần được đến trường. Đó là thông điệp lớn lao mà tác giả muốn gửi gắm đến các bậc cha mẹ và toàn xã hội. Đặc biệt, gia đình chính là cội rễ, cha mẹ cần sống vì con, yêu thương con để những tình trạng đáng tiếc không xảy ra.
Huy Hoàng Bookstore cảm ơn cô giáo Diễm đã gửi bài review kèm bức ảnh xinh xắn này!